Đặt lịch tư vấn miễn phí
Phương pháp khoa học cải thiện tình trạng ít sữa dành cho mẹ
Ít sữa có lẽ tình trạng mang đến cho mẹ nhiều cảm giác lo lắng và bất lực nhất. Hy vọng, những chia sẻ dưới đây từ Baby’s SKy sẽ giúp mẹ cải thiện phần nào tình trạng này.
Nguyên nhân gây ra tình trạng ít sữa
Trước tiên, có một lưu ý mẹ cần nhớ rằng, không nên dựa vào những yếu tố chủ quan như tự dưng cảm giác mình không đủ sữa; so sánh con mình với con của người khác; so sánh con mình của tháng này so với tháng trước; hoặc là so sánh giai đoạn tầm 4 tuần ngực mình luôn luôn căng, con ti bên này, sữa bên kia đã tuôn rần rần nhưng 3 – 4 tháng gần đây tự dưng lượng sữa giảm hẳn xuống. Dựa vào những dấu hiệu cảm tính trên, mẹ đã vội vàng nghĩ mình không đủ sữa là không nên.
Để đánh giá một cách chính xác hơn, mẹ cần dựa vào 04 tiêu chí sau:
1. Tư thế bú đúng
2. Tư thế ngậm đúng
3. Số tã ướt, số tã dơ
4. Biểu đồ tăng trưởng (Giả sử bé ti đủ sữa mẹ, bé sẽ tăng cân tốt và đều theo biểu đồ tăng trưởng)
Vì vậy, nếu bé vẫn tăng cân, tăng chiều dài theo biểu đồ tăng trưởng tức bé vẫn đang ti đủ nên mẹ đừng lo lắng nhé.
Trong trường hợp bé không đủ lượng sữa, cân nặng đi dưới biểu đồ tăng trưởng hoặc không tăng cân (chững cân), lúc này mẹ mới nên nghi ngờ mình không đủ sữa. Khi đó, mẹ cần tìm hiểu sữa mẹ nhiều hay ít phụ thuộc vào yếu tố nào để từ đó điều chỉnh, kích sữa, tăng tạo sữa cho mình.
Các giai đoạn sữa mẹ được sản xuất và cách khắc phục tình trạng ít sữa
Thực tế, sự ảnh hưởng đến việc tiết sữa mẹ sẽ có 2 giai đoạn khác nhau.
(1) Giai đoạn đầu, sự tiết sữa sẽ bị ảnh hưởng bởi những hormone chính là Oxytocin (hormone tiết sữa) và Prolactin (hormone tạo sữa).
Trong lúc bé ti, Oxytocin đạt đỉnh để tiết sữa ra ngoài, 30 phút sau Prolactin đạt đỉnh để tạo sữa mới cho cữ bú tiếp theo. Đây là quá trình hormone thay đổi để tạo sữa liên tục cho bé bú (Hình 1)
Vì vậy, những yếu tố khiến bé không bú mẹ một cách thường xuyên => Oxytocin sẽ không tiết ra => Prolactin cũng sẽ không đạt đỉnh thường xuyên để tạo sữa mẹ => mẹ ít sữa.
Hoặc những yếu tố làm cho bé ít bú, hoặc không bú => không tạo được phản xạ xuống sữa tốt (prolactin) thì cũng không thể tạo sữa cho giai đoạn sau hoặc cữ sữa sau.
Do đó, nguyên tắc quan trọng để có nhiều sữa là “làm sao tạo được phản xạ xuống sữa một cách tối ưu hay còn gọi là phản xạ tiết sữa (phản xạ Oxytocin)”
Phản xạ Oxytocin bị ảnh hưởng bởi TÂM LÝ khá là nhiều. Vì vậy, tâm lý trong nuôi con bằng sữa mẹ là cực kỳ quan trọng. Nếu mẹ được ở bên cạnh con, âu yếm con, đơn giản là mẹ cảm thấy thoải mái, tin tưởng vào việc tiết sữa của mình => những yếu tố này sẽ kích thích giúp tạo ra phản xạ xuống sữa tốt hơn.
Ngược lại, nếu mẹ luôn lo lắng, căng thẳng, hoặc bị những vấn đề bệnh lý khiến mẹ đau, hoặc mẹ xa con, mẹ nghi ngờ khả năng xuống sữa của mình => sữa mẹ không thể tiết ra một cách tối ưu.
(2) Giai đoạn sau thì sữa mẹ bị ảnh hưởng nhiều bởi những yếu tố tại chỗ.
Trong sữa mẹ có chất gọi là TIH, cái chất này sẽ ức chế tiết sữa. Nếu mẹ để sữa trong bầu ngực nhiều => hàm lượng TIH trong sữa mẹ sẽ nhiều, nó sẽ báo lên thụ thể Prolactin là “Trời ơi, bé không ti rồi, mẹ không vắt sữa rồi, sữa này đang rất nhiều trong bầu ngực khiến nó căng quá. Nếu bây giờ mà tiết sữa ra thêm sẽ khiến mẹ có nguy cơ bị tắc tia, hoặc khiến mẹ rất khó chịu => TIH ức chế thụ thể Prolactin khiến mẹ không thể sản xuất sữa nữa. Đến cữ hôm sau, thì Prolactin sẽ tự hiểu là cữ hôm trước lượng này là dư, nên cữ hôm nay cần phải giảm bớt xuống, hoặc cữ sau nữa cần giảm giảm lại theo cữ của bé. Sữa mẹ sẽ được sản xuất theo cơ chế cung cầu.
Do đó, mẹ cần làm trống bầu ngực càng nhiều càng tốt để sữa tiết ra được nhiều hơn nhé.
Tổng kết
Tựu chung, có 5 điều sau mẹ nên áp dụng giúp tăng tiết sữa nhiều hơn:
(1) Luôn giữ một tâm lý tốt. Không nên so sánh hoặc dựa vào cảm nhận chủ quan mà nên đánh giá bé được ti đủ hay không qua 4 tiêu chí: tư thế bú, khớp ngậm đúng chưa, số tã ướt như thế nào, và bé tăng trưởng ra sao theo biểu đồ tăng trưởng.
(2) Chú ý làm trống bầu ngực thường xuyên hơn.
(3) Mỗi lần cho bé bú, hãy để bé giúp mẹ làm trống bầu ngực càng nhiều càng tốt.
(4) Đối với mẹ có quá nhiều sữa thì nên giãn cữ hút sữa cho con. Giảm dần lượng sữa hút ra trong 1 hoặc 2 cữ bú mà chưa phù hợp => xem xét cắt luôn cữ đó => điều chỉnh cữ.
(5) Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ 4 nhóm chất. Tăng 500kcal/ngày để mẹ có khoảng 750ml sữa/ngày cho con nhé. Không nên kiêng khem. Việc ăn dưới 1800kcal/ngày thì không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng sữa.
Hy vọng thông tin được chia sẻ phía trên sẽ hữu ích với mẹ trên hành trình chăm con.